Cơ hội mở rộng thị trường tại Mỹ, EU cho dệt may, da giày Việt
Không chỉ đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo để tạo điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, ngành dệt may và da giày Việt đang đứng trước cơ hội lớn mở rộng thị trường tại Mỹ và EU.
10 tháng đầu năm: Dệt may là điểm sáng
Theo Bộ Công Thương, sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
10 tháng đầu năm, ngành này luôn duy trì là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất (chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 10T/2018 của nhóm tăng 12,7% so cùng kỳ, trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm).
Đáng chú ý, nhóm ngành dệt may trong 10 tháng đầu năm đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay. Trong đó, thị trường quyết định lớn tới giá trị xuất khẩu dệt may là Mỹ vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng cao như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 49,7 triệu m2, tăng 22,2%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 108,2 triệu m2, tăng 27,9%; quần áo mặc thường ước đạt 426,2 triệu cái, tăng 18,1% so với cùng kỳ tháng 10 năm 2017. Tính chung 10 tháng đầu năm, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 478,9 triệu m2, tăng 13,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 918,7 triệu m2, tăng 21,4%; quần áo mặc thường ước đạt 3.962,7 triệu cái, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi Mỹ đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
EVFTA, CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày
Việc ký kết một số hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để chờ cơ hội từ một số Hiệp định trên.
Nguồn: Internet
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018 sản lượng giày dép da tăng khá so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 227,1 triệu đôi, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Khai thác tốt các FTA, ứng phó một cách chủ động các xu thế bảo hộ
Bên cạnh những cơ hội trên, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những thách thức mà lĩnh vực dệt may và da giày đang gặp phải.
Đó là, chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, tình hình nguyên phụ liệu biến động như giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam cũng gây thêm khó khăn cho toàn ngành.
Ngoài ra, còn có rủi ro từ việc Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
Ảnh minh họa: TTXVN
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là: Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất.
Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Nguồn: doanhnhanviet.net.vn