Lợi nhuận dệt may quý II/2024: STK lỗ nặng, TCM, TNG bật lên tăng trưởng

) Bức tranh lợi nhuận ngành dệt may năm nay có sự phân hoá rõ rệt khi có doanh nghiệp báo lãi lớn trong quý II nhưng ngược lại có doanh nghiệp lỗ nặng.

STK lỗ 55 tỷ đồng trong quý II

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận lao dốc.

Tại báo cáo tài chính riêng, công ty mẹ STK doanh thu công ty mẹ STK giảm 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 303,2 tỷ đồng; lợi nhuận âm 15,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 35,3 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, STK ghi nhận doanh thu đạt 303,2 tỷ đồng (giảm 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế âm 55,5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 37,4 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, Công ty Sợi Thế Kỷ cho biết, doanh thu trong quý II giảm 104 tỷ đồng tương ứng giảm 25,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 50,45 tỷ đồng, tương ứng giảm 83,8% so với cùng kỳ do doanh số bán thấp và việc ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán vì trong kỳ công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu.

Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 50,6 tỷ đồng tương ứng giảm 143,3% do yếu tố doanh thu, lợi nhuận gộp làm ảnh hưởng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 93 tỷ đồng, tương ứng giảm 248,2% do sụt giảm doanh thu và lợi nhuận gộp tại công ty mẹ và chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty con làm ảnh hưởng.

 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, STK ghi nhận doanh thu đạt 568 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế âm 54,84 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái có lãi 39,12 tỷ đồng.

Năm 2024, STK đặt mục tiêu lãi 300 tỷ đồng tăng trưởng 24% so với năm ngoái, nhưng với kết quả của 6 tháng đầu năm, mục tiêu này khó khả thi.

Sợi Thế Kỷ đối diện một năm kinh doanh đầy khó khăn.

Sợi Thế Kỷ đối diện một năm kinh doanh đầy khó khăn.

TCM: Lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng 29%

Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu công ty mẹ TCM đạt hơn 64 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 47% so với kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024 là 5.842.524 USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 85% so với kế hoạch năm 2024.

Doanh thu dệt may 6 tháng đầu năm 2024 của TCM đến từ 3 mảng chính trong đó sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu. Đến thời điểm hiện tại TCM đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

TCM cho biết kết quả kinh doanh của công ty khả quan trong 6 tháng đầu năm nhờ việc nâng cao năng suất, hiệu suất, cắt giảm lãng phí, tối ưu doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

 
Các doanh nghiệp dệt may đều chú trọng tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

Các doanh nghiệp dệt may đều chú trọng tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

TNG: Lãi hơn 86 tỷ đồng, tăng trưởng 62%

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 32,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với tỷ lệ tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

TNG cho biết sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đến từ tăng trưởng doanh thu. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của công ty đã tăng mạnh nhờ việc tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu.

Ngoài ra, công ty đã tối ưu hoá các chi phí. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, giúp tối ưu hoá chi phí nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh như việc tăng sử dụng máy móc thiết bị tự động, công nghệ AVG, robot trong việc điều hành sản xuất.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 128,1 tỷ đồng.

 

Ngành dệt may, trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận tăng trưởng khả quan về xuất khẩu. Cụ thể xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu ước đạt 19,905 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù ngành dệt may vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những biến động từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của ngành dệt may trong việc duy trì sản xuất, mở rộng thị trường. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2024, nhiều đơn hàng cho quý IV/2024.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, đơn hàng có thể đủ trong quý III nhưng quý IV vẫn là thách thức khi sức cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Quý cuối năm vẫn là thời gian khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may. Trong khi đơn hàng phục hồi về số lượng còn giá bán chưa phục hồi và lạm phát tại các quốc gia lớn đang giảm phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu đi. Liệu doanh nghiệp có tăng trưởng trong quý IV và năm sau hay không còn trông chờ vào các thị trường lớn như Mỹ hồi phục, đơn hàng tích cực trở lại.

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/