Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may về kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều ngày 7/12/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may về kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Saigon Hotel, TP HCM.

Đại diện Bộ Công Thương, Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, thành viên đoàn đàm phán chính phủ đã có những chia sẻ về vấn đề Đàm phán & thực thi FTA, các vấn đề đặt ra cho ngành dệt may. Về tổng thể, cán cân thương mại Việt Nam đang bị thâm hụt tại thị trường Đông Á, thâm hụt thương mại quá lớn với -128,32 tỷ USD. Cụ thể, Trung Quốc (-60,5tỷ usd); Hàn Quốc -37,9 tỷ USD; ASEAN -13,42 tỷ USD, Đài Loan -17,5 tỷ USD, Nhật Bản + 1 tỷ USD. Ngược lại với Đông Á, là khu vực quan hệ thương mại với hoa kỳ, eu, uk, can 2022 dương 140,8 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ + 95 tỷ USD; EU + 31,4 tỷ USD; UK +5,2 tỷ USD, Canada & Mexico: +9,2 tỷ USD. Ông cho rằng thời gia qua, Việt Nam chưa tận dụng hết dư địa FTA. Trong 3-4 năm vừa qua, những thị trường đã ký FTA với Việt Nam thì hầu như tỷ trọng hàng Việt Nam tại các thị trường này hầu như không tăng. Vấn đề chính ở đây là doanh nghiệp chưa tận dụng được các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Một số lý do chính có thể giải thích cho vấn đề này, không chỉ ngành dệt may, mà tỷ trọng làm thô còn quá phổ biến ở Việt Nam, trong đó cắt may thô (65%), OEM (30%) và ODM (5%). Khó khăn về tín dụng vốn cũng là lí do làm cho các doanh nghiệp chưa mở rộng được sản xuất, quảng bá sản phẩm và mua thêm dây chuyền sản xuất. Vấn đề tiếp theo là doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức về vấn đề phát triển bền vững và thiếu kết nối, hợp tác.

Bộ Công Thương có đưa ra các giải pháp từ nhiều phía. Cụ thể: 4 giải pháp từ phía cơ quan quản lý: tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xk chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…); tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn (ví dụ có chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng fta, ví dụ nguồn tín dụng riêng, hỗ trợ xúc tiến thương mại); tăng cường cung cấp thông tin, cập nhật chính sách cho doanh nghiệp (cổng FTA).

Về góc độ doanh nghiệp, Bộ cũng đưa ra 04 giải pháp như sau: tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác; định hướng thay đổi từ gia công (CTM) lên OEM rồi ODM và OBM (xây dựng thương hiệu); nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường fta, lên chiến lược tiếp cận các thị trường này; định vị thị trường fta thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu.

Đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thanh Điền ngoài nêu ra các khó khăn hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải như số lượng đơn hàng Quý I/2024 chỉ mới đáp ứng được 36% số lượng doanh nghiệp, các đơn hàng của Quý II, III và IV của năm 2024 hầu như chưa có. Ngoài việc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may tại Trung Quốc và Bangladesh là đối thủ chính của Việt Nam thì ngành hàng dệt may còn phải cạnh tranh chính với các ngành hàng khác tại Việt Nam như: nguồn cung lao động, sự quan tâm của cơ quan chính phủ nhà nước về chính sách hỗ trợ, … Hiện nay, ngành dệt may còn phải đối diện rất nhiều sự khó khăn khác: chuyển đổi bền vững, sản xuất xanh, khí thải nhà kính, …rất nhiêu khê những báo cáo, những quy tắc quy định mà doanh nghiệp dệt may đang gặp phải nhưng hầu như doanh nghiệp dệt may phải tự bơi trong giai đoạn này.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã nêu ra một số chính sách, điều lưu ý cần đáp ứng khi doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng hóa vào các nước đã ký FTA cũng như các quy định, hồ sơ mà từ năm 2024 các Bộ Ngành trung ương sẽ kiểm tra các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, dệt may nói riêng.

Các Bộ Ban Ngành trong hội thảo cũng đã tiếp nhận những khó khăn khác, những băn khoăn mà doanh nghiệp dệt may đang gặp phải, cần lắm sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể và chi tiết đến từ Bộ Công Thương và các Ban Ngành liên quan khác.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/