Dệt may Thành Công (TCM): Đơn hàng cho quý 4/2023 mới chỉ đạt 83%
TCCT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM) vừa cho biết đơn hàng cho quý 4/2023 mới chỉ đạt 83% kế hoạch và dự báo tốc độ đơn hàng sẽ vẫn chậm trong những tháng tới.
Dệt may Thành Công mới hoàn thành 60% mục tiêu lợi nhuận năm
Dệt may Thành Công hiện mới hoàn thành 60% mục tiêu lợi nhuận năm nay sau 8 tháng vừa qua.
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2023, ghi nhận sự sụt giảm mạnh cả về lợi nhuận và doanh thu.
Cụ thể, trong tháng 8/2023, doanh nghiệp dệt may này ước doanh thu đạt 12,84 triệu USD và lãi ròng 0,77 triệu USD, lần lượt giảm 34% và giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này cũng cao hơn đáng kể so với mức giảm ghi nhận hồi tháng 7/2023.
Châu Á là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Dệt may Thành Công trong tháng 8/2023, chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 26,8%; Nhật Bản chiếm 19,6%; và Trung Quốc chiếm 12,5%. Theo sau khu vực châu Á là thị trường châu Mỹ (chiếm 25,2%) và thị trường châu Âu (chiếm 4,3%).
Xét về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm may chiếm 76% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công, theo sau là vải (chiếm 16%) và sợi (chiếm 7%).
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ước doanh thu đạt 91,2 triệu USD và lãi ròng hơn 6 triệu USD, lần lượt giảm 29% và 26% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 60% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may Thành Công, kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay chịu ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế và lạm phát cao tại Mỹ và EU, người tiêu dùng tại đây thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm các sản phẩm dệt nay.
Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và chú trọng phát triển thị trường nội địa với mảng vải - sợi để giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, nên hoạt động kinh doanh của Dệt may Thành Công phần nào được duy trì qua giai đoạn khó khăn.
Đơn hàng quý 4/2023 mới đạt 83% kế hoạch
Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết, công ty hiện vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, hiện mới nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng của quý 3/2023 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023. Dệt may Thành Công dự báo đơn hàng sẽ vẫn còn chậm trong những tháng còn lại của năm 2023 do kinh tế thế giới chậm phục hồi.
Hiện một số doanh nghiệp dệt may niêm yết cũng nhận định đơn hàng vẫn ở mức yếu trong những tháng tới đây. Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) nhận định ngành dệt may Việt Nam đã bước qua giai đoạn “xấu nhất” nhưng tình trạng nhu cầu thấp của thị trường thế giới có thể kéo dài sang năm 2024, thị trường chưa có động lực tăng và có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng mới và theo nhu cầu của các mùa lễ hội cuối năm.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã cổ phiếu HTG - sàn UPCoM) dự báo nhu cầu vẫn ở mức thấp trong những tháng cuối năm 2023 do đó công ty này quyết định không mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, và đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 20/9, cổ phiếu TCM tăng 2,7% đạt 49.000 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh nhóm cổ phiếu dệt may đồng loạt bật tăng khi thị trường kỳ vọng hoạt động xuất khẩu dệt may sẽ phục hồi rõ ràng hơn trong thời gian tới và việc tỷ giá USD/VND tăng lên sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung, nhóm ngành dệt may nói riêng.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn