Buổi họp mặt kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam của Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM chủ đề DOANH NGHIỆP DỆT MAY “Thích nghi – Đổi mới – Sáng tạo – Bền vững”

Nhằm thiết thực chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 cũng như họp mặt, sinh hoạt chuyên đề với hội viên, chiều ngày 10-9-2021, Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM đã tổ chức buổi họp mặt trực tuyến với chủ đề: Thích nghi – Đổi mới – Sáng tạo – Bền vững.

Để đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19, buổi họp mặt được tổ chức online với sự tham dự của đông đảo hội viên, cùng với những khách mời đại diện các sở ban ngành, các chuyên gia kinh tế như: ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), PGS TS Trần Hoàng Ngân, TS Huỳnh Thanh Điền v.v…Tại buổi họp mặt, Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM đã cùng các lãnh đạo, các chuyên gia nhận định và đánh giá lại tình hình hoạt động của ngành Dệt may trong giai đoạn TPHCM giãn cách xã hội cũng như là kế hoạch, định hướng sắp tới.

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, nhưng giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019 . Kết quả 9 tháng năm 2021 của ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp dệt may trải qua nhiều khó khăn.Từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp với tình hình dịch kéo dài tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm,Với tình hình dịch bệnh như vậy, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất khó khăn.

Với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới thì chắc chắn Dệt May Việt Nam sẽ có 1 năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu (KNXK), trong đó kịch bản cao là sẽ đạt KNXK khoảng 35 tỷ USD giảm 10% so với năm trước, và kịch bản hiện thực là khoảng 33.5 tỷ USD, kịch bản thấp chỉ đạt 30-31 tỷ USD KNXK.  Bảo toàn mọi nguồn lực của doanh nghiệp từ nhân lực, thị trường, tài chính là yếu tố quyết định chờ vượt qua cơn sóng thần Covid-19.

Hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của ngành Dệt may, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - kêu gọi những ý kiến, đóng góp thẳng thắn của các Hội viên để lãnh đạo Sở cũng như là lãnh đạo thành phố có những giải pháp, chính sách thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HUBA- nhận định: đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp phải đoàn kết lại, gạt bỏ quá khứ sang một bên để cùng nhau vượt khó.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - GĐ Sở Công Thương

Nhận định về những giải pháp vĩ mô sắp tới, PGS TS Trần Hoàng Ngân cho rằng có 2 giải pháp chính: đó là giải pháp phi tiền tệ và giải pháp tiền tệ. Ở giải pháp phi tiền tệ, PGS đề nghị TPHCM sẽ thành lập, có những đội phản ứng nhanh nhằm nhanh chóng lắng nghe, đáp ứng, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất. Ở giải pháp tiền tệ, PSG lưu ý là các giải pháp tài khóa và tiền tệ phải dựa trên tiêu chí: không để lạm phát gia tăng, ngoài các chính sách mà chính phủ đã ban hành như giãn thời gian nộp thuế, nợ chính phủ cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn bằng cách khôi phục các quỹ tín dụng tiền tệ nhỏ và vừa.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Trong khi đó, nhận định về cơ hội, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng ngành Dệt May dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đây là ngành có khả năng hồi phục rất nhanh. Bằng chứng là các đơn hàng cho các doanh nghiệp Dệt may vẫn còn rất nhiều, cái khó ở đây là bản thân các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức làm việc phù hợp với điều kiện dịch bệnh như làm việc tại nhà, kiểm soát chất lượng từ xa của khách hàng, đảm bảo công tác bán hàng online cũng như duy trì,lôi kéo lực lượng lao động trở lại thành phố.

Ông Huỳnh Thanh Điền 

Tại buổi họp mặt, các Hội viên của Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cũng nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động trong mùa dịch. Ông Trần Như Tùng – Phó TGĐ Cty Dệt May Đầu tư Thương Mại Thành Công – đã chia sẻ những tính toán, sự cần thiết của việc duy trì 3T tại nơi làm việc trong mùa dịch. Chi phí phát sinh của 3T là có nhưng nó vẫn mang lại lợi nhuận nhiều hơn là bỏ không nhà máy, xưởng trong suốt mùa dịch. Ngoài ra, việc đãi ngộ tốt cho lao động trong mùa dịch cũng giúp công ty tránh được việc thất thoát quá nhiều về lao động. Hầu hết các lao động được đãi ngộ tốt đều quay trở về làm việc, góp phần giúp Thành Công là một trong những công ty khôi phục sản xuất nhanh nhất tại thời điểm TPHCM mở cửa lại cuộc sống bình thường mới.

Ông Trần Như Tùng - Phó TGĐ Công ty DP Dệt May Thành Công

Trong khi đó, chia sẻ về định hướng phát triển tương lai, Ông Phạm Văn Việt -Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM ,Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho rằng: Trong ngắn hạn, các DN dệt may Tp.HCM cần giữ chân NLĐ bằng các chính sách phúc lợi, an sinh; tích cực truyền thông để giải tỏa vấn đề tâm lý e ngại dịch bệnh cũng như để NLĐ có cái nhìn toàn cảnh về tương lai yên tâm ở lại Tp sản xuất. Bênh cạnh đó các DN cần tập trung nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở cấp độ chiến lược quản lý và cấp độ vận hành, xây dựng hệ thống quản trị thông minh, ưu tiên tái cấu trúc, chuyển đổi số, hướng đến xanh hóa ngành dệt may may. Quan trọng nhất là phải luôn xây dựng các kế hoạch ứng phó để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới. Tình huống chưa từng có phải có giải pháp chưa từng có.

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội

Buổi họp mặt trở thành một buổi chia sẻ chân tình giữa các doanh nghiệp, lãnh đạo Sở cùng các chuyên gia. Tinh thần Thích nghi – Đổi mới – Sáng tạo – Bền vững dần lan truyền trong tâm trí của những người tham dự. Những kinh nghiệm cũng như định hướng phù hợp cho tương lai gần mà các thành viên, chuyên gia kinh tế chia sẻ chắc chắn sẽ là những bài học hữu ích cho từng thành viên của Hội Dệt May Thêu Đan khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, tiếp tục khẳng định vị thế của đơn vị, của ngành trong bức tranh kinh tế chung của TPHCM.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/