Ngành Dệt may trước những thách thức từ dịch bệnh

Ngành Dệt May là ngành có năng lực cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế, là ngành xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Dù vậy, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới đã đặt ra cho ngành Dệt May những bài toán khó về việc thích nghi với thời cuộc. Nửa cuối năm 2021 với sự xuất hiện nguy hiểm của biến chủng Delta, khiến Việt Nam phải sử dụng những biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức hoạt động, sản xuất của các ngành. Trong bối cảnh đó, những thách thức đặt ra là không nhỏ với ngành Dệt may bao gồm nguy cơ thiếu hụt lao động, nguyên liệu lẫn chậm tiến độ giao trả hàng...

Để hiểu rõ thêm về những thách thức, cơ hội mà ngành Dệt May của Việt Nam đang đối mặt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Phạm Văn Việt -Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM ,Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Nhà sáng lập Thương hiệu V-Sixtyfour.

Câu hỏi:

1)    Thưa ông, việc Chính phủ Việt Nam áp dụng biện pháp mạnh để hạn chế tác hại của đại dịch Covid-19 chắc chắn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Dệt may thêu đan nói chung. Ông có thể chia sẻ khái quát những khó khăn mà ngành Dệt may đã trải qua trong những tháng qua?

-Dịch COVID-19 bùng phát mạnh khoảng tháng 6/2021 đã khiến các DN dệt may rơi vào tình thế lao đao vì đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động, trong khi nguồn vaccine chưa đáp ứng kịp thời. Tiếp đó, tháng 7/2021, các DN dệt may tiếp tục thực hiện tiêu chuẩn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" theo yêu cầu của Thành phố để vừa đảm bảo công tác chống dịch vừa xử lý các đơn hàng còn tồn đọng cho khách hàng và duy trì công việc cho người lao động. Tuy nhiên hầu hết các DN cũng chỉ duy trì được khoảng từ 10-30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường. Khi Tp.HCM có chính sách phục hồi kinh tế từ 01/10/2021 thì DN dệt may lại phải đối mặt với việc thâm hụt lao động do người lao động lo sợ lây nhiễm không đi làm, một số không nhỏ đã về quê, công suất hiện tại chỉ đạt 50 – 60%.

2)    Nguyên liệu vốn là một vấn đề luôn gây đau đầu cho các doanh nghiệp Dệt May từ trước đến nay bởi chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. Hiện nay thì việc lưu thông nguồn nguyên liệu giữa các nước cũng gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh, trước tình hình này thì Hiệp hội của mình đã có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này trong thời gian qua và sắp tới ạ?

Xuất khẩu may mặc Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới, đóng góp tích cực cho việc cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập siêu và nâng tầm thương hiệu. Tính đến thời điểm hiện tại, DN dệt may đã kín đơn hàng đến quý IV/2021 và đầu năm 2022.

Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm gián đoạn giao thương giữa các quốc gia gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông nguyên liệu lẫn hàng hóa. Lường trước được những thách thức, các DN dệt may đã chủ động các phương án dự phòng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất như nhập nguyên liệu từ các quốc gia Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil thay vì phụ thuộc vào một thị trường chính như Trung Quốc (chiếm 63% nguồn cung trong năm 2020)... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt hoặc đẩy mạnh sản xuất một số mặt hàng có thể chủ động về nguyên phụ liệu trong nước.

Hội cũng đã tăng cường liên kết DN trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ các DN chuyển từ CMT sang các phương thức FOB, ODM, OBM. Bên cạnh đó, Hội cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ để giúp các DN dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn,... nhằm tạo “đòn bẩy” để DN phát triển.

3)    Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số xuất khẩu của ngành dệt may đều tăng với cùng kỳ 2020. Điều đó là tín hiệu tốt cho thấy lượng đơn hàng của ngành đã tăng. Nhưng với những diễn biến của dịch bệnh trong những tháng gần đây, tiến độ giao hàng hẳn đã trở thành một vấn đề lớn với ngành Dệt May. Hiện các thành viên trong Hiệp hội giải quyết vấn đề này như thế nào?

Để đảm bảo tiến độ giao hàng với Khách hàng, các DN dệt may phía Nam đều tăng cường các yếu tố phòng, chống dịch nhằm đảm bảo giữ nguồn cung lao động, đảm bảo năng suất. Ngoài ra các DN cũng chủ động dịch chuyển các đơn hàng sang các khu vực phía bắc hoặc các tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch để đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách hàng, đảm bảo uy tín ngành dệt may.

4)    Với đặc thù của TPHCM, đô thị kinh tế trung tâm của cả nước, cũng là tâm dịch lớn nhất nước trong năm 2021. Hiện nay vì nhiều yếu tố khác nhau, rất nhiều lao động đã về quê, một số khác thì đã về quê trước các đợt giãn cách xã hội vẫn chưa trở về thành phố. Các thành viên trong Hiệp hội hiện đang giải quyết bài toán về nhân lực như thế nào? Kế hoạch cho cả hiện tại lẫn tương lai?

Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng 40%. Mặc dù TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam đã bắt đầu mở cửa từ tháng 10/2021 nhưng vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Thêm vào đó chưa có sự thống nhất về điều kiện di chuyển giữa các địa phương dẫn đến việc tìm nguồn lao động thay thế của các DN dệt may hiện rất khó khăn.

Trong ngắn hạn, các DN dệt may Tp.HCM giữ chân người lao động (NLĐ) bằng các chính sách phúc lợi, an sinh như bố trí nơi ăn, ở tại các vùng xanh cho NLĐ không đáp ứng chỗ ở; ứng trước một phần lương; cung cấp thêm các nhu yếu phẩm; tích cực truyền thông để giải tỏa vấn đề tâm lý e ngại dịch bệnh cũng như để NLĐ có cái nhìn toàn cảnh về tương lai yên tâm ở lại Tp sản xuất..

Trong kế hoạch dài hạn, DN sẽ thành lập Quỹ chăm lo cho người lao động bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước, tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư chuyển đổi công nghệ 4.0 để bù đắp thâm hụt lao động, xây dựng các kịch bản nhằm chủ động ứng phó trước các tình huống bất lợi xảy ra.

5)    Trong những năm qua Việt Nam chúng ta đã đạt thỏa thuận khá nhiều hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA hay CPTPP. Ngành Dệt May được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định này. Ông đánh giá thế nào về sự tận dụng cơ hội này của các doanh nghiệp Dệt May trong thời gian qua? Điều gì đã đạt được và điều gì chưa? Các doanh nghiệp Dệt May cần làm gì để tận dụng triệt để những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại?

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số thị trường khác như ASEAN, Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận. Ngoại trừ Hoa Kỳ, hầu như tất cả các thị trường lớn và tiềm năng của xuất khẩu dệt may Việt Nam đều là các thị trường mà Việt Nam đang hoặc sắp có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến tháng 9/2021, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Mỗi FTA sẽ luôn đi kèm cả khó khăn, thách thức và cơ hội cho DN.

Với các cam kết loại bỏ thuế quan đối với phần lớn hàng hóa, trong đó có các sản phẩm dệt may, FTA mang đến cho DN dệt may Việt Nam cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi và giảm bớt rào cản trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Tuy nhiên rào cản về quy tắc xuất xứ vẫn là rào cản lớn nhất khiến DN dệt may chưa hưởng được nhiều lợi ích từ các FTA.

Vì vậy, các DN dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ, trách nhiệm xã hội và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tập trung vào tự động hóa, thúc đẩy xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Chính sách về lâu dài, DN dệt may cũng rất cần Chính phủ gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho DN như sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035; thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới.

6)    Trong chương trình kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, chủ đề chính được đặt ra là Thích nghi – Đổi mới –Sáng tạo – Bền vững. Theo ông, các thành viên của Hiệp hội cần làm những gì để đạt được những tiêu chí đó trong tình hình dịch bệnh vẫn còn có thể kéo dài?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hậu quả của đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức lớn tới cộng đồng DN. Theo tôi, các DN cần:

- Tập trung nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở cấp độ chiến lược quản lý và cấp độ vận hành.

- Xây dựng hệ thống quản trị thông minh, ưu tiên tái cấu trúc, chuyển đổi số, hướng đến xanh hóa ngành dệt may may. Khi cơ cấu của các ngành công nghiệp thay đổi với hàng loạt công nghệ, quy trình và phương pháp quản lý mới, giá trị thặng dư mang đến cho DN sẽ tạo ra bởi nguồn lực tri thức cao. Nguồn lực tri thức sẽ trở thành giá trị cốt lõi của nền sản xuất chứ không phải là nguồn vốn.

- Luôn xây dựng các kế hoạch ứng phó để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới. Tình huống chưa từng có phải có giải pháp chưa từng có.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/