Doanh nghiệp dệt may TP HCM “vượt khó” mùa dịch

Quý III, khi đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến TP.HCM phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong ngành dệt may tại thành phố lớn nhất nước này gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng và thúc đẩy kinh tế, các doanh nghiệp dệt may luôn sẵn sàng nhiều phương án “vượt khó”.

 

Từ đầu quý 3/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Một số doanh nghiệp dệt may đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm 2021 nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, do thiếu nhân công và chi phí. Nhất là giá nguyên liệu dệt may đã tăng từ 3-5% so với năm trước dẫn tới chi phí sản xuất tăng 8%, trong khi giá các đơn hàng trong thời điểm này đều giảm.

 

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho biết thêm: "Chúng tôi đang thiếu hụt khoảng 20% lao động khi đã có đơn hàng phục hồi sản xuất, ngoài ra chi phí điện nước, logistics kho bãi cũng ngày càng tăng trong năm nay".

 

Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM ngay từ những ngày đầu tháng 5 đã lên phương án sát cánh cùng doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh”. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức với mức chi phí tốn kém, tổn thất về kinh tế, nhưng các doanh nghiệp vẫn kiên trì thực hiện các biện pháp đối phó với dịch bệnh. 

 

Đơn cử như Nhà máy Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) có 4.400 lao động. Giữa tháng 7/2021, nhà máy đã giảm quy mô sản xuất xuống còn 50% và tổ chức cho 2.200 công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ.

 

Dự đoán việc “3 chỗ” sẽ ít nhiều gây nên bất lợi cho công nhân, công ty vì thế quan tâm chăm lo cho người lao động đầy đủ từ ăn uống đến nghỉ ngơi. Trong 10 ngày đầu, công ty 3 lần xét nghiệm cho công nhân, chi phí mỗi mẫu test là 300.000 đồng, sau đó thực hiện định kỳ hàng tuần. Ngoài lương, lao động được trả thêm 80.000 đồng mỗi ngày. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc mầm bệnh của nhà máy hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 25 ngày, chỉ còn khoảng 1.800 người bám trụ sản xuất.

 

Chia sẻ về điều này Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty nói: "Doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' không có lời, kinh phí tăng cao nhưng năng suất chỉ đạt một nửa". Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

 

Còn tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, bên cạnh việc hơn 1.000 công nhân của công ty đã được tiêm vaccine, Việt Thắng Jeans cũng là một trong những doanh nghiệp ngành dệt may tại TPHCM đi đầu trong công tác thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh như: đầu tư thêm trang thiết bị: máy nhận diện khuôn mặt và đo thân nhiệt không tiếp xúc, máy rửa tay khử khuẩn tự động; tăng cường việc lắp đặt thêm camera, trang bị thêm thuốc men, máy móc phục vụ phòng, chống dịch cho phòng y tế công ty. Bên cạnh đó, Việt Thắng Jeans cũng tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc về giãn cách trong quá trình sản xuất, ăn trưa, nghỉ giữa ca và khử khuẩn liên tục các khu vực này. Khi số lượng lao động giảm do giãn cách, các xưởng phải tăng lên 2 ca/ ngày để kịp tiến độ sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm/ tuần, đủ 5 container hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và Châu Âu.

 

Tuy đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng là thế nhưng Việt Thắng Jeans cũng đã chủ động lên kế hoạch,  phương án dự phòng để có thể thực hiện tốt nhất công tác phòng chống dịch cũng như an toàn trong lao động, sản xuất như sửa lại nhà xưởng rộng hơn để trong tình huống buộc bố trí cho công nhân vừa làm việc vừa ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị thêm trang thiết bị, trong các trường hợp buộc giãn cách mạnh hơn, công ty vẫn đảm bảo sản xuất”.

 

Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần may Bình Minh ở quận Bình Thạnh chỉ dám nhận đơn hàng khoảng 70% so với năm 2019, sản xuất đến hết quý 3 từ khách hàng ở Mỹ và Châu Âu. Trước đó, nhân lực công ty đã bị giảm đi chỉ còn khoảng 500 công nhân, lại có 60 người trong tình trang cách ly tại các khu phong toả, công ty luôn phải căng thẳng điều phối lao động ở các dây chuyền sản xuất.

 

Ông Võ Quốc Hào, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Bình Minh cho biết: Điều quan trọng nhất của công ty hiện nay không phải là năng suất và sản lượng, mà là chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và đảm bảo an toàn cho người lao động.

 

Thực hiện mục tiêu kép, doanh nghiệp vừa phải đảm bảo sản xuất vừa phải chủ động tuyệt đối việc phòng chống dịch bệnh, 5K. Tại các bàn ăn đều có vách ngăn, mỗi chuyền sản xuất trước đây 45 người, nay còn 25 người, khoảng cách tối thiểu 1,5m. Doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, phát thêm các loại vitamin cho công nhân sử dụng để tăng sức đề kháng.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ giao hàng, doanh nghiệp cũng tính toán, chọn lựa nhận các đơn hàng là thế mạnh, luân chuyển, điều động nhân sự để kịp thời tăng cường cho các khâu sản xuất.

 

Từ thời điểm dịch bùng phát trở lại, Công ty TNHH May mặc Dony (Công ty Dony) ở quận Tân Bình đã chuyển phần lớn các phần việc sang trực tuyến. Toàn bộ khu vực bên trong và ngoài văn phòng, nhà máy được áp dụng ngay các biện pháp phòng dịch như thường xuyên được khử khuẩn; không tiếp khách, xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho công nhân, người lao động (NLÐ)...

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony chia sẻ: " Mình phải có phương án chủ động như làm nhà xưởng thông thoáng, lắp hệ thống bơm oxy tươi vào nơi làm việc; bố trí công nhân làm việc giãn ca, giãn cách. Ðồng thời, tích cực tìm giải pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để đạt mục tiêu đề ra".

 

Trên thực tế, thiếu lao động đang là nỗi lo lớn của doanh nghiệp dệt may thời điểm hiện tại. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thiếu lao động kéo dài từ năm 2020, do không có đơn hàng, một số doanh nghiệp phải giảm lao động.

 

Tình trạng thiếu lao động lành nghề cũng là trở ngại với Tổng công ty May 10 – CTCP trong thời gian dịch bệnh. Giải pháp trước mắt đang được doanh nghiệp dệt may thực hiện là tuyển dụng lao động tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề để vừa sản xuất, vừa đào tạo nhằm giải quyết các đơn hàng.

 

Ổn định về sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp và kéo dài là vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM. Ông Phạm Xuân Hồng Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về lâu dài doanh nghiệp cần cải tiến các khâu sản xuất, đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn cả đó chính là xây dựng văn hoá doanh nghiệp bền vững, đặc yếu người lao động lên hàng đầu, chăm lo, thấu hiểu để  người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, Hội cùng các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách cơ, chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới và có tiền trả lương cho công nhân.

Trên hết, các doanh nghiệp mong muốn nhất Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm./.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/