Hội Dệt May - Thêu Đan TPHCM “vững tay chèo” trước “làn sóng đại dịch”
Nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn, Ngành Dệt May Việt Nam năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và dần phục hồi vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, khi làn sóng dịch bệnh quay trở lại, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn. Để giúp các doanh nghiệp “vượt khó” thích ứng với điều kiện thực tế, Hội Dệt May - Thêu Đan TPHCM đã có nhiều giải pháp thiết thực.
Sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, sức mua tăng lên giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có nhiều đơn hàng hơn. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Thêm vào đó, sự bất ổn của tình hình trật tự xã hội ở nhiều quốc gia khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam, nhờ vậy doanh nghiệp trong nước nói chung và TPHCM có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Đóng góp vào ngành dệt may cả nước, TP.HCM chiếm hơn 35% kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may thành phố có khởi sắc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may – Thêu đan TPHCM cho biết, tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua là nhờ đơn hàng đến từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm nay, các thị trường này phục hồi ở những sản phẩm phổ thông như quần tây, áo thun, sơ mi, trong khi những mặt hàng thời trang, áo vest lại giảm. Đây là điểm khác biệt về nhu cầu thị trường so với trước dịch.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội dệt may – Thêu đan TPHCM cũng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm 2021, một số ít doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 3.
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất thì làn sóng dịch lần 4 lại diễn ra hết sức phức tạp tại TPHCM. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các doanh nghiệp dệt may TPHCM phải thực hiện giãn cách trong nhà máy, chia ca để sản xuất thay vì làm việc đồng loạt như trước. Thêm vào đó, trong các đợt dịch năm 2020, doanh nghiệp không có đơn hàng, nhiều lao động đã nghỉ việc, về quê hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Do đó, doanh nghiệp dệt may hiện nay đang thiếu khoảng 20% lao động nhưng không tuyển được người, đặc biệt là thiếu lao động có tay nghề cao.
Đó là chưa kể, giá nguyên liệu dệt may đã tăng từ 3-5% so với năm trước dẫn tới chi phí sản xuất tăng 8%, trong khi giá các đơn hàng trong thời điểm này đều giảm.
Trước tình hình đó, Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cùng các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng, có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới và có tiền trả lương cho công nhân.
Từ đầu tháng 5/2021, Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM đã sớm có phương án hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng cùng các doanh nghiệp để đảm bảo kịp thời gian giao hàng. Ngay thời điểm quận Gò Vấp giãn cách theo theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp trong Hội đã có phương án hỗ trợ sản xuất cho các đơn vị như X28, X22 trong quận Gò Vấp.
Song song đó, trong vai trò kết nối và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM đã có những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Cụ thể, hội khuyến khích các doanh nghiệp liên kết bắt tay nhau, hỗ trợ nguyên phụ liệu, qua đó có được đơn hàng thay thế từ các đối tác mới là DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), sử dụng 100% nguyên liệu trong nước.
Cũng thông qua sự giới thiệu của Hội Dệt may thêu đan TPHCM, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn số lượng lớn cho Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và hệ thống Pharmacity. Hay Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (quận 12) cố gắng chia đơn hàng cho những doanh nghiệp nhỏ hơn để cùng nhau duy trì sản xuất.
Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, Ông Phạm Xuân Hồng cho biết: “Tinh thần chung là hội viên nào dư dả đơn hàng thì san sẻ với những doanh nghiệp đang thiếu.” Ông Phạm Xuân Hồng cũng nhìn nhận việc thực hiện không dễ bởi phần lớn doanh nghiệp may mặc Việt Nam đều làm hàng gia công, muốn đưa ra ngoài gia công thêm một lần nữa thì phải được đơn vị mua hàng đồng ý.
Tuy nhiên, khó chứ không phải là không thể, các doanh nghiệp muốn bứt phá và phát triến cần phải cần liên kết, hỗ trợ nhau bằng cách mua hàng hóa, hỗ trợ nguyên liệu, mặt bằng của nhau... để vượt qua khó khăn. Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM chính là cơ quan đứng đầu để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề này.
Đầu tháng 9/2021 cùng với nhiều Hiệp hội ngành nghề khác, Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM đã cùng ký tên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là sửa đổi Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24-8-2021 về việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại các doanh nghiệp đã và đang thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến " và doanh nghiệp ngừng sản xuất.
Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp và những kiến nghị từ Hội Dệt may thêu đan TPHCM, Sở Công thương TP HCM cũng có các chương trình như hỗ trợ doanh nghiêp sản xuất sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng diện tích nhà xưởng tại những khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang được triển khai.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, Hội thống nhất quan điểm rằng cần sớm phải có được nguồn vaccine để kịp thời chặn đứng tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19. Bởi dù có tháo gỡ các khó khăn về vốn, thị trường hay chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp xuất hiện ca nhiễm thì sẽ làm đình trệ ngay quá trình sản xuất kinh doanh.
Hội cũng định hướng rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, doanh nghiệp Dệt, may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tranh thủ giai đoạn không có đơn hàng tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân nhằm tăng năng suất lao động; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường như trước đây.
Trước những nỗ lực của những người lãnh đạo, tâm huyết với ngành dệt may TPHCM, Hội dệt may – Thêu đan TPHCM đã phát huy được vai trò đầu tàu giúp các doanh nghiệp dệt may “vững tay chèo” trước “làn sóng của đại dịch” 2021. Hội cũng là cầu nối giữa nhà nước và các doanh nghiệp hội viên, là nền tảng quan trọng tạo sự đồng thuận, lan toả kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách của nhà nước, chính quyền thành phố đến doanh nghiệp.
Đồng thời, Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM cũng là một kênh quan trọng để các ban, ngành thành phố có cơ hội trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào trạng thái bình thường mới với nhiều khó khăn và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp./.