Thương chiến Mỹ - Trung và nguy cơ thâm hụt thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thực sự Việt Nam có được hưởng lợi không? Đây là lúc cần nhìn nhận kỹ hơn về những nguy cơ trước mắt và cơ hội dài hạn, đặc biệt cần quan tâm khi ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Một số thị trường xuất khẩu đã giảm 
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2019 ước tính xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD).Tuy vậy, tại “Diễn đàn Kinh doanh: Tiến vào kỷ nguyên số' do Forbes Việt Nam" tổ chức cuối tuần qua, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng kinh tế Việt Nam đi lên nửa đầu năm nay không nhờ chiến tranh thương mại bên ngoài.
Theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt từ khoảng 3 năm trở lại đây chứ không phải từ khi chiến tranh thương mại nổ ra. Thành quả đó nhờ vào cải cách kinh tế vĩ mô, giúp Việt Nam là điểm đến và trú ẩn của nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng ta hấp dẫn vì đã ký được các hiệp định thương mại đẳng cấp cao như EVFTA hay CPTPP.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chỉ ra, dù tăng trưởng gần 30% nhưng thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ chỉ tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lần lượt tăng từ 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.
"Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Chúng ta có thể ảnh hưởng khi hai nước này va chạm lâu dài chứ không phải chuyện “kiếm chác” ngắn hạn”- ông Thiên nhấn mạnh.

 

 

 Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quy mô xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước,có 24 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên có một số nước có dấu hiệu xuất khẩu giảm như Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, hiện đang xin điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu từ 6% xuống còn 3%... Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là gạo - giảm gần 330 triệu USD; điện thoại - giảm gần 550 triệu USD, khiến cho xuất khẩu Việt Nam giảm gần 1 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho biết xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại, nên khi mặt hàng này giảm xuất khẩu đã kéo tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu chậm lại.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, khi kinh tế thế giới bất ổn, tăng trưởng thấp. Đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và đây là yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Rủi ro từ xuất xứ và tỷ giá 
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh 2 quốc gia Mỹ - Trung áp thuế lẫn nhau, quy định về hàng hóa “made in Viet Nam” chưa rõ ràng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành quốc gia thứ 3 để xuất khẩu hàng hóa giữa 2 quốc gia này để tránh bị áp thuế thương mại. Việc Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, lẽ tất nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu của quốc gia này sẽ chuyển hướng đi các quốc gia khác, trong đó có thị trường Việt Nam. Điều này sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi trên thực tế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm sút đối với các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản…. và lấp chỗ trống ở thị trường Trung Quốc với những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị đánh thuế mạnh như các loại thịt, tôm… Nhưng tuyệt đối, không được “bỏ trứng vào một rổ”, phải tận dụng tối đa các lợi thế của các FTA đã đạt được như CPTPP, EVFTA để đề phòng rủi ro tăng lên trong giao dịch.
Về phía các doanh nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật về nông, lâm, thủy sản, nguồn gốc xuất xứ… nâng cao tỷ lệ gia tăng của sản phẩm, giảm bớt “xuất khẩu hộ” nước khác…. Riêng đối với các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi về công nghệ sản xuất, quản lý để chuẩn hóa sản xuất, sản phẩm để giữ chân người tiêu dùng trước sức ép ngày càng lớn từ hàng hóa các quốc gia được hưởng ưu đãi từ các FTA với Việt Nam cũng như hàng hóa Trung Quốc tràn vào.
Cũng quan tâm đến vấn đề khi Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì hàng Trung Quốc sẽ chuyển hướng đi các nước. Song theo TS Nguyễn Trí Hiếu, áp lực của Việt Nam lúc này sẽ tăng gấp đôi: nguy cơ thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc và áp lực can thiệp thị trường tiền tệ. Những điều này đẩy rủi ro cho Việt Nam trong bối cảnh có quy định hàng "made in Việt Nam" chưa rõ ràng. “Ngưỡng tiền phá giá của Nhân dân tệ tiếp tục tạo khoảng cách thì mức chênh lệch càng tăng lên thêm, càng làm cho doanh nghiệp thêm điêu đứng, hàng tồn kho tăng cao là điều khó tránh khỏi”- ông Hiếu phân tích.
Do đó, để ứng phó thương chiến Mỹ - Trung đang có nguy cơ lan ra cuộc chiến tiền tệ, Việt Nam cần phải chủ động theo dõi, các chính sách điều hành tỉ giá cần thận trọng. Đặc biệt, cần sớm thống nhất và ban hành quy chế hàng sản xuất tại Việt Nam, chủ động trao đổi thông tin với các bên liên quan và minh bạch thông tin trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ.
Nguồn:Kinhtedothi.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/